Không nhiều ampli tích hợp ở đẳng cấp hi-end có khả năng ung dung kiểm soát hầu hết những dòng loa lớn như Jeff Rowland Continuum S2.
Các thiết bị của Jeff Rowland từ bề ngoài đã hấp dẫn ngay cả những người không rành về audio, bởi chúng đẹp, lịch lãm và quyến rũ. Cái cách mà công ty thiết kế sản phẩm khiến người ta phải bật ra câu hỏi: “món này có mắc lắm không vậy”?! Đây là câu cửa miệng của dân amateur khi được tiếp xúc với các thiết bị hi-end cỡ này.
Continuum S2 mang vẻ đẹp đặc trưng của những thiết kế kinh – điển – bền – vững, không phụ thuộc vào trào lưu, với bộ khung sườn kim loại phủ màu đen bóng cùng tấm nhôm mạ bạc bóng láng dập hình vỏ sò. Toàn bộ khung máy được làm từ hợp kim nhôm cao cấp 6061-T6. Phong cách sản phẩm của Jeff Rowland không khoe khoang mà đi vào chất lượng, kiểu như Leica đầu tư nhiều tiền vào công nghệ xử lý kim loại và thủy tinh để làm ống kính. Nhiều người chỉ có thể cảm nhận được giá trị của thiết bị khi được ngắm tận mắt, sờ tận tay.
Continuum S2 là thế hệ sản phẩm thứ 4 của Jeff Rowland thuộc dòng ampli tích hợp. Thông thường, với tầm giá trên 10.000 USD, giới audiophile thường nhắm tới những power mono kích thước lớn. Còn ở tầm giá này, thường những người “chịu chơi” và khá rành về thiết bị mới đủ bản lĩnh xài đồ tích hợp. Bên cạnh thiết kế đậm chất xa hoa, có lẽ Jeff Rowland cũng là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất với mạch khuếch đại công suất class D.
Tuy nhiên, điểm thú vị là Jeff Rowland không tự gắn “chết” công nghệ của mình vào một kiểu mạch khuếch đại nào đó. Các model ra đời trong vài chục năm qua đều mang dấu ấn của mỗi thời kỳ, như một biểu đồ thời gian của ngành công nghiệp audio thu nhỏ. Lối thiết kế có phần thực dụng của hãng đã mang lại những dấu ấn riêng về mặt âm thanh, sự tăng tiến có thể nhận biết qua các đời model, nhưng không đi trệch triết lý thiết kế cốt lõi.
Ampli tích hợp Continuum S2 vận hành ở chế độ class D để đạt tới công suất thực ở mức tối đa 400 watt tại trở kháng 8 Ohm trong một kích thước vừa phải với trọng lượng 15,9 kg. Một trong những chỉ số cho thấy Jeff Rowland có nghề với mạch class D là công suất của ampli tăng lên đúng gấp đôi với trở kháng 4 Ohm. Ngược lại, hầu hết các mạch class D thông thường khác đều chơi khá ấn tượng ở tải loa 8 Ohm, nhưng nhanh chóng hụt hơi khi phải “hầu hạ” những đôi loa có trở kháng thấp.
Thiết kế tiêu chuẩn của Continuum S2 gồm mạch khuếch đại line thông thường với 5 đường tín hiệu vào, hoặc chỉ còn 4 nếu người dùng sử dụng tính năng home cinema by-pass. Tuy nhiên, ngõ nhận tín hiệu số 1 có thể tương thích với nhiều mạch xử lý khác nhau, từ một bo DAC cho đến một bo mạch Phono. Các bản mạch này có thể được thực hiện bởi các nhà phân phối (đã được ủy quyền). Về mặt kỹ thuật, mỗi bo mạch mới phải có một chốt hãm và một vít định vị trên bộ giá chờ. Những thao tác này không quá phức tạp và có thể được xử lý bởi các kỹ thuật viên tại các nhà phân phối.
Nếu có cơ hội chứng kiến các kỹ thuật viên dỡ nắp máy để bổ sung bo mạch mới, người chơi sẽ cảm nhận được ngay triết lý “không thỏa hiệp” ở thiết kế của Jeff Rowland từ trong ra ngoài. Linh kiện bên trong máy được bố trí khoa học, mạch lạc theo tư duy tối thiểu hóa đường truyền tín hiệu để tránh can nhiễu và tối đa hóa tốc độ đáp ứng. Trong bối cảnh vòng đời một sản phẩm hi-end audio kéo dài từ 3-5 năm thì Continuum S2 được Jeff Rowland tạo ra cho một cuộc chơi dài hơi, chắc hẳn nó vẫn còn sức hấp dẫn trong vòng một vài thập niên sau khi ra đời
Nguồn stereo.vn